Trang điểm là phương pháp giúp phụ nữ trở nên đẹp hơn, qua đó còn giúp họ thêm phần tự tin khi gặp gỡ mọi người. Khi nói đến trang điểm, người ta có thể kể ra vô số cách trang điểm khác nhau, tùy theo nhu cầu công việc. Hiện nay việc trang điểm trở nên đơn giản vì mỹ phẩm có thể dễ dàng kiếm được. Còn với thời xưa, việc trang điểm không phổ biến lắm vì chỉ có nhà khá giả mới có tiền để mua mỹ phẩm, hay người ta thường gọi nôm na là phấn thơm, má hồng,…
Không thể chối bỏ rằng việc làm đẹp là nhu cầu không thể thiếu đối với phụ nữ, kể cả các cung tần, mỹ nữ trong cung đình nhà Nguyễn xưa. Vậy nên từ thời xa xưa, tại cung đình Huế đã có công nghệ chế tạo mỹ phẩm dành cho các cung phi. Họ được trang điểm bằng các loại mỹ phẩm thượng hạng. Việc trang điểm có thể được áp dụng mỗi ngày hay vào các dịp lễ tết.
Tương truyền, Thánh Cung Hoàng thái hậu, đích mẫu của vua Khải Định dù đã lớn tuổi và bị thấp khớp rất nặng, đi đứng khó khăn nhưng khi ngồi trong chính sảnh Cung Diên Thọ để trang điểm thì bà vẫn phải ngồi yên, lưng thẳng, không được phép làm sai tư thế quy định trong cung. Sau khi trang điểm xong, bà vẫn phải sự khuôn mặt nghiêm nghị của mình.
Trong cung đình, khi trang điểm họ thường sử dụng phấn nụ để đánh mặt (ngày nay mọi người gọi là đánh nền), sáp màu để đánh môi và bút lông với muội than gỗ (thường là than từ gỗ điên điển) để kẻ lông mày. Phụ nữ trong cung đình nhà Nguyễn xưa thường sử dụng loại phấn nụ để trang điểm. Hầu như mỹ phẩm thời đó hoàn toàn được làm từ thiên nhiên. Kể ra thì cũng đúng thôi vì thời đó thì làm gì có công nghiệp để sản xuất hàng loạt như bây giờ. Sở dĩ gọi là phấn nụ vì hình dạng của viên phấn trông như một nụ hoa hé mở, sẵn sàng tô điểm lên khuôn mặt của các bà. Phấn được làm từ đất sét cao cấp (cao lanh) có xuất xứ từ Trung Quốc, sau đó người ta đem về Việt Nam để chế biến và sử dụng. Ở chợ Đông Ba – Huế xưa vẫn có sạp bán phấn nụ nhưng các bà trong cung sẽ tự làm và cất để sử dụng riêng chứ không mua hàng ở ngoài chợ. Vì nếu cao lanh kém chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến da mặt, chỉ khi sử dụng và kiểm soát được những loại cao lanh chất lượng thì các bà mới yên tâm. Ngoài việc sử dụng phấn nụ để trang điểm, các bà còn dùng nó để dưỡng da. Mỗi đêm họ sẽ bôi một lớp phấn dày lên mặt và để qua đêm, như vậy phấn sẽ thẩm thấu qua da và giúp da trở nên mịn màng và sáng bóng hơn.
Khi đánh phấn, người ta sẽ dùng tay để lấy một ít phấn và xoa lên mặt, tán cho đều khắp khuôn mặt. Trong các dịp đại kỵ, khi các bà cần đánh nền màu trắng dày hơn thì có thể dùng phấn nụ được pha sẵn với nước và cũng dùng tay để xoa lên mặt.
Cách trang điểm của phi tần triều Nguyễn xưa phải nói là “độc nhất vô nhị”. Vào các dịp đại kỵ, khuôn mặt sẽ được đánh trắng bệch. Còn đối với các ngày lễ khác cũng như những ngày thông thường thì cách dùng phấn và tô sáp môi vẫn được dùng để trang điểm như phụ nữ bây giờ. Còn vào ngày đại kỵ, để đánh được khuôn mặt có màu trắng như thế, người ta sẽ sử dụng phấn nụ pha với nước. Tuy nhiên vùng cổ, tai thì không đánh phấn mà để nguyên da của mình. Cặp mắt của họ cũng sẽ không bôi phấn. Nhìn tổng thể thì chỉ có khuôn mặt là trắng như vôi, còn các chi tiết khác thì được để lộ phần da không trang điểm một cách rõ rệt. Tiếp đó họ sẽ dùng má hồng để thoa lên hai gò má một hình tròn nhạt. Phần môi ban đầu sẽ được đánh trắng nhưng sau đó sẽ dùng tay xoa sáp môi lên phần môi trên và một chấm ở môi dưới, khi nhìn vào sẽ trông như một chiếc môi đang chúm chím. Cuối cùng là kẻ chân mày bằng than của gỗ điên điển, bút lông dùng để viết chữ Nho sẽ được dùng để phết từ than gỗ và vẽ lên chân mày.
Thời đó, một khi phụ nữ nhập cung để trở thành vợ vua thì chỉ có vua là được nhìn thấy khuôn mặt của họ. Ngay cả người thân cũng không được nhìn thấy mặt. Thế nên họ phải trang điểm như vậy để nếu đi ra ngoài cung mọi người sẽ không nhận ra được đâu mới là khuôn mặt thật của họ, vì vốn dĩ nếu trang điểm với cách đánh phấn trắng cho khuôn mặt cùng son môi và lối kẻ lông mày đó thì nhìn phi tần nào cũng sẽ giống nhau.
Cũng phải nói thêm, không phải cứ phi tần trong cung đều phải trang điểm như vậy. Hoàng thái hậu, hoàng hậu thì không cần phải đánh trắng mặt mà chỉ có những phi tần trong lục viện mới phải trang điểm cho trắng khuôn mặt thôi. Thêm vào đó, để phân biệt ba viện trên và ba viện dưới thì ba viện trên sẽ được đánh sáp môi ở phần môi trên, còn giữa môi dưới sẽ có một chấm sáp đỏ. Đối với ba viện dưới thì các bà sẽ đánh trắng luôn cả phần môi trên, còn phần môi dưới sẽ được chấm giữa môi bằng sáp môi.
Sau khi trang điểm xong sẽ tới bước vấn khăn. Ở trong cung đình Huế, các bà sẽ sử dụng vải nhiễu cát để bao tóc, loại vải này tương đối mỏng và nhẹ. Cách vấn khăn của đàng trong và đàng ngoài cũng khác nhau. Ở đàng trong, mép khăn sẽ được chít và giấu vào phía trong vành khăn. Sau đó vành khăn thứ hai sẽ được bao bên ngoài vành khăn một. Khăn vành có độ rộng khoảng 30cm, gấp lại để chiều rộng còn khoảng 6cm, để phần hở khăn hướng lên trên. Tiếp tục người vấn khăn sẽ quấn thành hình chữ nhân (人) để che tóc, một phần của tai và chít khăn bên trong. Cứ quấn cho đến khi khăn đã bao giáp vòng thì gấp khăn lại từ phần gáy và để phần hở khăn hướng lên trên và vấn khăn tiếp, bao chặt ngoài khăn chít thành nhiều vòng lớn. Cuối cùng, phần khăn còn sót lại sẽ được giấu vào bên trong vành khăn phía sau bằng kim găm. Sau khi việc vấn khăn đã được hoàn tất, nếu như ai bị tóc bạc hay bị sói thì than gỗ điên điển cũng được dùng trong trường hợp này. Họ sẽ dùng cọ để vẽ lên phần tóc bạc hay phần đầu bị sói.Trong cung đình nhà Nguyễn, khi nói đến người vấn khăn đẹp và nhanh thì người ta không thể không nhắc đến Mệ Bông. Bà hãnh diện về tài nghệ vấn khăn của bà vì mỗi lần vấn khăn cho các bà, Mệ chỉ tốn khoảng 30 phút. Bà cũng là người đã vấn khăn cho Nam Phương hoàng hậu. Ngoài tài nghệ vấn khăn đẹp, bà còn có tài nấu nướng tuyệt vời với cách chế biến thức ăn rất riêng. Sau này triều đại nhà Nguyễn không còn nữa, Mệ Bông được tổng thống Ngô Đình Diệm mời vào Sài Gòn để lên kế hoạch cho thực đơn trong các buổi tiệc tùng của dinh Độc Lập.
Tựu trung lại, thời nào cũng vậy, trang điểm được xem là cách làm đẹp phổ biến của người phụ nữ. Ai cũng khao khát được làm đẹp và mỗi một thời đại sẽ có một tiêu chuẩn về cái đẹp khác nhau. Ngoài việc tìm hiểu vẻ đẹp hiện đại thì việc tìm hiểu nét đẹp phụ nữ xưa cũng là một cách để ta trân trọng những gì đã cũ.