Nhạc sĩ Hoài Nam sinh năm 1942, tại Sóc Trăng, Hoài Nam là một nhạc sĩ nhạc vàng phổ thông đại chúng trước năm 1975. Tuy là một sĩ tài hoa thực thụ nhưng số phận hẩm hiu làm cho tên tuổi của ông không được nhiều người biết tới. Đặc biệt là sau này ở hải ngoại có một ca sĩ lấy nghệ danh là Hoài Nam, hát một số bài nhạc của nhạc sĩ Hoài Nam trước năm 1975 nên làm cho công chúng nhầm lẫn. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông sinh hoạt văn nghệ với một số nhạc sĩ còn lại ở trong nước. Cho đến năm 1995, sau khi nhạc sĩ Trúc Phương qua đời thì nhạc sĩ Hoài Nam cũng mất liên lạc với các đồng nghiệp, từ đó thông tin về nhạc sĩ Hoài Nam cũng không còn ai biết nhiều. Hoài Nam chuyên sáng tác các ca khúc về người lính. Ngoài đề tài về người lính, ông còn viết về tình yêu đôi lứa. Ông là tác giả một số ca khúc như Ba tháng quân trường, Chín tháng quân trường, Thương tình nhân,Tình bạn Quang Trung…
Nhạc khúc “Thương tình nhân” là một sáng tác nổi tiếng của Hoài Nam viết về tình yêu đôi lứa. Bài hát là bức tâm thư nhớ thương từng đêm dài của chàng trai trẻ dành cho người yêu, muốn nói yêu nhưng lại không dám nói, “mới vắng hai hôm” mà lòng thương nhớ nhiều.
Nhắc đến tên em anh cảm thấy buồn
Những lúc cô đơn anh càng mến thương
Tâm tư biết ngỏ cùng ai
Thức đêm mới biết đêm dài
Tình nhân anh hỡi có hay?
Là một bài hát, nhưng Thương tình nhân như một áng thơ tình lai láng nỗi nhung nhớ. Yêu mà cách xa là mỗi lần “nhắc đến tên em anh cảm thấy buồn”, mỗi lúc cô đơn một mình lại càng mến thương. Nhưng những tâm tư chồng chất nỗi lòng anh thì “tình nhân anh hỡi có hay?”. Có biết chăng trong từng đêm dài thao thức vì nỗi nhớ em, “tâm tư biết ngỏ cùng ai”. Những ai từng thức đêm mới biết đêm dài, đêm dài vì nỗi nhớ người khôn nguôi, đêm dài vì những tâm tư không người nói cùng. Chỉ là, tình anh của anh hỡi, em có biết chăng cho lòng anh?
Muốn đến thăm em sao lòng vẫn ngại
Cửa đóng then gài tâm sự với ai
Em ơi có hiểu lòng anh
Có nghe tiếng nói chân thành
Tâm tình gởi trọn về em…
Nhớ em, muốn đến thăm em nhưng “sao lòng vẫn ngại” không dám đến gặp người. Anh chỉ biết “cửa đóng then gài tâm sự với ai”. Chàng trai ấy dù biết rằng đã mang lòng yêu cô ấy, dù chịu nỗi nhớ nhung gặm nhấm đêm từng đêm, dù có nhớ đến thao thức không ngủ nhưng vẫn rụt rè không dám đến thăm. Chỉ là muốn nói mà không dám nói, muốn người hiểu cho lòng của anh đây, lại không dám tỏ tường cùng người. Muốn người có thể hiểu lòng anh. có thể lắng nghe tiếng nói chân thành của trái tim anh. Và chỉ biết mượn lời ca gửi tâm tình “Tâm tình gởi trọn về em…”.
Đường vào tình yêu chông gai anh không đáng ngại
Cho bằng dòng sông không đáy
Bằng lòng tình nhân đổi thay
Em ơi thương anh xin đừng gian dối
Đừng yêu chót lưỡi đầu môi
Chỉ làm khổ lụy mà thôi.
Yêu em anh không ngại đường vào tình yêu chông gai. Anh không ngại khó khăn trên đường theo đuổi người, không ngại khổ để tìm đến tình yêu. Chỉ là anh mong, “cho bằng dòng sông không đáy/ Bằng lòng tình nhân đổi thay” mong sao tình em cũng chân thành và sâu đậm. “Em ơi thương anh xin đừng gian dối”, xin đừng đáp lại tình yêu chân thành của anh bằng những dối gian “chót lưỡi đầu môi”. Vì tình gian dối “chỉ làm khổ lụy mà thôi”.
Anh yêu người, một tình yêu chân thành nồng thắm, nên cũng cầu mong người đáp lại bằng chân thành mến thương. Anh không ngại vất vả gian lao, chỉ xin người đừng trót nói lời yêu mà vội đổi thay. Có lẽ, đó là những lo sợ và rụt rè của rất nhiều người trong tình yêu. Như Xuân Diệu cũng từng cảm thán “Yêu là chết trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ hoặc thờ ơ, chẳng biết”. Nỗi lo sợ yêu người mà người không yêu mình là nỗi lo rất thường tình của những trái tim đơn phương.
Vắng bóng hai hôm sao lòng nhớ nhiều
Mới biết con tim đau vì đã yêu
Em ơi có hiểu lòng anh
Có thao thức với nhân tình
Chúng mình tâm sự tàn canh…
“Vắng bóng hai hôm” mà lòng đã nhớ thương em nhiều. Nghe lòng thương nhớ vì không được gặp em, mới biết con tim đau vì đã trót yêu rồi. Em ơi, nơi xa em có biết cho lòng anh, có hiểu cho tình anh và có thao thức nhớ thương như anh nhớ thương em. “Chúng mình tâm sự tàn canh…” muốn tâm sự cùng em, muốn nói hết nỗi lòng này để em có thể hiểu cho tình anh. Mình cùng tâm sự đến tàn canh đêm để thôi không còn dài vì nỗi dằn xé của nhớ thương một người.
“Thương tình nhân”, như chính tên bài hát, tác giả đã khắc họa lại ,một tình yêu chân thành nhưng rụt rè chẳng dám nói, một trái tim yêu nhưng còn những nỗi lo “người có yêu mình?”. Bài hát như một bức tâm thư mang đầy nỗi nhớ, niềm thương và trái tim chân thành của chàng trai gởi đến người tình nhân. Tình nhân, tên gọi nghe chan chứa tình yêu nhưng sao vẫn xa cách? Sao tác giả không gọi là người yêu? Tình nhân là người tình trong lòng của chàng trai, vì anh không biết người có chấp nhận tình yêu của anh không, cũng không dám nói cùng người. Nay mượn lời ca, mượn cung đàn gửi cho người tâm thư mang những tâm tư giấu kín bấy lâu nay để giải bày nỗi lòng.
Nhắc đến tên anh em cảm thấy buồn
Những lúc cô đơn anh càng mến thương
Tâm tư biết ngỏ cùng ai
Thức đêm mới biết đêm dài
Tình nhân anh hỡi có hay?
Muốn đến thăm anh sao lòng vẫn ngại
Cửa đóng then gài tâm sự với ai
Anh ơi có hiểu lòng em
Có nghe tiếng nói chẳng thành
Tâm tình gởi trọn về anh.
ĐK:
Đường vào tình yêu chông gai em không đáng ngại
Cho bằng dòng sông không đáy
Bằng lòng tình nhân đổi thay
Anh ơi thương em xin đừng gian dối
Đừng yêu chót lưỡi đầu môi
Chỉ làm khổ lụy mà thôi.
Vắng bóng hai hôm sao lòng nhớ nhiều
Mới biết con tim đau vì đã yêu
Anh ơi có hiểu lòng em
Có thao thức với nhân tình
Chúng mình tâm sự tàn canh…